Thứ Năm, tháng 2 28

HOA VÀNG MẤY ĐỘ

Giới thiệu cùng các bạn cây hoa trước cổng nhà mình năm nay hoa nở vàng rực đẹp mê hồn.
Nó có nhiều tên,mình cũng không biết chính xác nó tên gì. Bạn nào biết cụ thể cho biết nhé.
Con trai mình gọi cây BỌ CẠP VÀNG, OSAKA, bạn bè gọi HOÀNG LAN.. Dù tên là gì mình cũng rất yêu quý và tự hào về nó lắm ( cả xóm và cả những ai ngang qua đều dừng lại trầm trồ ngắm nhìn,quay phim,chụp ảnh).






Từ ngoài đường chụp hết cả cây hoa



Từ trong nhà chụp ra





Từng nhánh riêng lẻ

Các bạn thấy đẹp không?

Mùa xuân đã đi gần hết tháng giêng, những chậu hoa mua chơi tết đã úa tàn từ lâu, vậy mà cây hoa mình trồng vẫn hiên ngang trổ bông,nó níu gọi mùa xuân với màu vàng thật quyến rũ cùng hương thơm dịu nhẹ theo gió thoảng đưa. Những chiều buồn mình thường ngồi một mình trên xích đu dưới bóng cây rợp một màu vàng thương nhớ và không dưng thấy thương đời hoa qua đỗi. Sáng nào quét sân cũng gom thật nhiều hoa rụng,nó còn rực rỡ bao lâu? Ôi thời gian! chẳng có thứ gì bền lâu,mọi thứ rồi phai tàn theo năm tháng.
 "Hoa ơi, thôi ngưng cười đùa lả lơi cùng tôi buồn đắm..."
Có phải "hoa vì ai mà riêng nở cho tôi"?
                                             HV      

Thứ Tư, tháng 2 27

CHUYỆN VUI NGHỀ BÁC SĨ

NHÂN NGÀY THẦY THUỐC 27/02/2013 MỜI CÁC BẠN ĐỌC CHUYỆN VUI SAU:

Bác sĩ giỏi
Một người mới đến ở thị trấn hỏi Todd có bác sĩ giỏi nào trong vùng không.
- Bác sĩ giỏi hả? Chúng tôi có một bác sĩ giỏi nhất thế giới ở đây. James Jones là một bác sĩ tuyệt vời! Ông ấy đã cứu sống tôi – Todd hào hứng kể.
- Thật à? Ông ấy đã làm gì? – người mới đến hỏi.
Todd giải thích:
- Tôi bệnh rất nặng và gọi BS Smithson. Ông ấy cho tôi một ít thuốc nhưng bệnh không khỏi mà lại nặng thêm. Sau đó tôi gọi BS Peterson. Ông này cho thêm thuốc nhưng bệnh càng nặng hơn nữa – lúc đó tôi sắp chết đến nơi rồi. Cuối cùng tôi gọi BS Jones. Ông ấy bận không đến được. Ông ấy đã cứu sống tôi.
 

Tỉ lệ 1%

- Thưa bác sĩ, liệu tôi có qua khỏi không ạ?
- Bệnh của ông theo thống kê có 1% khả năng sống sót. Nhưng ông thì chắc chắn sống. Tôi cam đoan mà.
- ???
- Tôi đã nhận 99 ca như thế. Họ chết cả rồi!
 
Chẩn đoán nhầm
Một bác sĩ nói với đồng nghiệp, vẻ buồn rầu: "Anh thử tưởng tượng xem, tôi chữa bệnh ung thư cho anh ta nhưng khi mổ thì hóa ra anh ta chỉ bị một cái áp-xe".
Vị bác sĩ kia bảo:
- Điều đó có gì đáng kể! Tôi đã điều trị nửa năm cho một bệnh nhân bị vàng da; nhưng khi anh ta chết, tôi mới phát hiện anh ta là người châu Á.

Nghề sớm nhấtMột bác sĩ, một kỹ sư và một luật sư tranh cãi xem nghề nào có trước. Bác sĩ nói:
- Nên nhớ là vào ngày thứ sáu Đức Chúa trời đã tạo ra Eva từ xương sườn của Adam, tức là làm ca phẫu thuật đầu tiên. Nên nghề y chính là nghề lâu đời nhất.
Kỹ sư trả lời:
- Nhưng trước đó Chúa trời đã phải xây dựng thiên đàng và mặt đất từ một đống hỗn mang, lộn xộn. Nên nghề kỹ sư có trước.
Luật sư lên tiếng:
- Đúng vậy, nhưng theo các anh thì ai là người gây ra hỗn độn, lộn xộn nào?

 

Mặc cả

Bác sĩ đưa bệnh án cho bệnh nhân và nói:
- Tôi có tin xấu cho anh đây… Nếu không chữa trị, anh sẽ chết trong 6 tháng tới!
Bệnh nhân ngồi thừ ra suy nghĩ, mắt lo âu nhìn vào hoá đơn thanh toán, cuối cùng nói buồn thảm:
- Số tiền quá lớn…Có lẽ tôi đành cam chịu số phận. Trong 6 tháng tôi không thể kiếm ngần ấy tiền được.
- Vậy chúng ta sẽ tăng lên 9 tháng nữa nhé!
 

Đừng đi bác sĩ

- Bác sĩ, xin ông cho tôi một lời khuyên, tôi bị mất ngủ.
-Trước khi đi ngủ, anh hãy ăn một trái táo hoặc uống một cốc sữa.
- Ồ, xin lỗi, nhưng năm ngoái, cũng tại bệnh viện này, ông đã khuyên tôi không nên ăn bất cứ cái gì trước khi đi ngủ.
- Đúng vậy, nhưng anh quên mất rằng chỉ một năm thôi, y học đã có những bước tiến vượt bậc rồi sao?
 
Phẫu thuật thay thế
Có một tay bác sĩ ngoại khoa rất nổi tiếng, ông ta có khả năng kỳ diệu là có thể phẫu thuật thay thế những bộ phận của con người.
Một hôm có một khách hàng đến đòi phẫu thuật đôi mắt mù lòa của mình, ông ta bèn lấy mắt chó để thay thế cho anh ta. Cuộc phẫu thuật khá thành công. Khi bệnh nhân đến khám lại thì ông ta nhận được những lời như sau:
“Dạ thưa bác sĩ đôi mắt của tôi thật là tuyệt vời, có thể nhìn trong bóng đêm như ban ngày nhưng chỉ mỗi tội là mỗi khi nhìn thấy phân thì lại thèm.
 
Cho chắc ăn
Trong phòng mạch, cụ gìa khai bệnh:
- Thưa bác sĩ, dạo này tôi hay bị lú lẫn , nói trước quên sau!
Bác sĩ :
- Thế thì xin cụ trả tiền trước cho tôi.
 
Bác sĩ cũng cần cách ly
Người đàn ông gọi điện đến cho bác sĩ với giọng hốt hoảng.
- Thưa bác sĩ – ông ta nói trong điện thoại – Con trai tôi bị sốt ban.
- Tôi biết – bác sĩ đáp – hôm qua tôi đã đến nhà ông và cho cậu ta uống thuốc. Ông hãy cách ly cậu ta với những người khác.
- Nhưng nó đã hôn con hầu.
- Vậy thì phải cách ly chị ta.
- Và chính tôi cũng hôn con hầu.
- Như thế có nghĩa là ông có thể mắc bệnh rồi.
- Vâng và từ lúc đó đến giờ tôi đã hôn vợ tôi.
- Khốn khổ – Bác sĩ hốt hoảng – Vậy thì tôi cũng bị lây mất rồi.
 
Tiên lượng
- Với biểu hiện như thế này, có thể khẳng định chắc chắn là anh đã bị nhiễm độc rất nặng.
- Trời ơi! Nguy hiểm quá! Vậy thưa bác sĩ, tôi bị nhiễm chất độc gì ạ?
- Điều này chúng tôi chỉ có thể trả lời sau khi đã khám nghiệm tử thi.
- !!!
 
Ân nhân
Một người đem quà đến nhà bác sĩ nọ:
- Bác sĩ, tôi rất biết ơn vì bác sĩ đã chữa cho...
- Xin lỗi, hình như anh chưa bao giờ là bệnh nhân của tôi?
- Phải, nhưng ngài đã chữa bệnh cho chú tôi, mà tôi là người thừa kế của ông ấy.
 
Bác sĩ cũng phát điên
Tại bệnh viện tâm thần, bác sĩ hỏi bệnh nhân: “Đây là bệnh viện tâm thần, anh làm sao mà xin vào đây?”
- Tôi bị điên.
- Tại sao anh biết mình bị điên?
- Vợ tôi trước khi lấy tôi đã có một đứa con gái riêng, bây giờ đã là một thiếu nữ trưởng thành. Không ngờ bố tôi lại cưới nó về làm vợ, vì vậy, vợ tôi nghiễm nhiên trở thành mẹ vợ của bố chồng mình.
- Đúng, không cùng dòng máu có quyền lấy nhau.
- Và tôi đang là đứa con lại trở thành bố vợ của bố tôi.
- Đúng như vậy.
- Mới đây, con gái của vợ tôi, tức là mẹ kế của tôi, sinh được một đứa con trai. Tất nhiên thằng bé đó là em ruột cùng cha khác mẹ với tôi.
- Đúng vậy.
- Và đương nhiên vợ tôi và tôi đều là ông bà ngoại của nó.
- Đúng vậy.
- Sau đó một thời gian, vợ tôi sinh được một đứa con trai. Vậy là con ghẻ của tôi tức là mẹ kế tôi đồng thời là chị ruột của đứa con tôi, và cũng là bà nội nó. Nói cách khác: con tôi là em tôi và cũng là cậu tôi, vì là em của mẹ kế tôi.
- Có lý.
- Như vậy có nghĩa là vợ tôi trở thành con dâu của mẹ kế tôi, tức là con gái của vợ tôi trở thành dì của mẹ nó. Đương nhiên, đứa con tôi là cháu tôi và tôi là ông nội tôi và là anh của vợ tôi. Bác sĩ coi, chỉ luẩn quẩn trong cách xưng hô ở gia đình mà tôi phát điên lên!
- Nghe anh kể mà tôi cũng muốn phát điên lên đây!


                           st

HÔM NAY


Hôm nay,
tôi sẽ xóa khỏi nhật ký đời tôi hai chữ:
hôm qua và ngày mai.
 
Hôm qua gói ghém những kinh nghiệm cho tôi học hỏi, nhưng đã qua rồi.
Tôi không thể níu kéo lại.
 
Còn ngày mai, tôi không biết có sống đến ngày mai không.
Và nếu có, ngày mai là hậu quả của những gì tôi làm ngày hôm nay.
 
Bởi vậy,
Hôm nay,
 
Tôi sẽ sống và tin rằng ngày hôm nay sẽ không bao giờ trở lại.
Tôi sẽ sống thật trọn vẹn như là ngày cuối cùng của đời tôi.
 
Tôi sẽ sống hết mình mỗi giây phút
để làm cho hôm nay thành một ngày đặc biệt
và duy nhất của đời tôi. 
 
Tôi sẽ mỉm cười và không bỏ lỡ một cơ hội nào sống cách tốt nhất.
Tôi sẽ biến mọi công việc tầm thường thành phi thường.
 
Tôi sẽ là người hạnh phúc tràn đầy
và sẽ chia sẻ niềm hạnh phúc của tôi cho người khác.
 
Tôi sẽ sống ân tình, chân tình, hết tình,
nhiệt tình, tận tình với tất cả mọi người:
cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè.
 
Tôi mời bạn sống một ngày mới trong hạnh phúc và an bình.
 
Nguồn internet

Chủ Nhật, tháng 2 24

Kẻ chiến thắng



Vào thời võ sĩ Đạo tại Nhật, có một kiếm khách nổi tiếng với đường kiếm tuyệt luân của mình. Ngoài ra, Ông còn có tài đánh cờ thuộc hàng thượng thặng.
Sau một quãng đời tung hoành ngang dọc trong chốn giang hồ, vị kiếm khách này đã ngộ ra lý Thiền nên đã “rửa tay gác kiếm”, khoác áo tu hành. Qua nhiều năm dài tu hành tinh tấn, Ông đã trở thành một Thiền Sư được nhiều người biết đến về đạo hạnh. Trong suốt thời gian đó, Ông cũng đã đem hết tâm huyết ra để nâng khả năng về Kiếm và Cờ của Ông lên hàng Kiếm Đạo và Kỳ Đạo. Vì vậy, tên tuổi của Ông ngày càng thêm lừng lẫy. Nhiều người đã đến xin học đạo với Ông và do đó Ông đã có nhiều môn đệ.

                                    s
Một ngày kia, có một chàng thanh niên đến ra mắt Ông để xin theo học Đạo. Vị Thiền Sư đã nhìn kỷ chàng thanh niên và nói :
- Ta chỉ nhận làm đệ tử những ai có đạo hạnh cao hoặc có khả năng khá về Kiếm hoặc Cờ. Ngươi tự xét thấy có khả năng nào trong các thứ ấy để có thể được ta thu nhận đây?
Sau một thoáng suy nghĩ, chàng thanh niên vội đáp :
- Con có khả năng chơi Cờ; mặc dù không phải là hạng cao thủ nhưng con cũng đã từng hạ nhiều tay chơi Cờ giỏi có hạng.
Liền đấy vị Thiền Sư lại hỏi :
- Vậy, bây giờ ngươi có muốn thi đấu về Cờ không?
- Dạ, thưa ! Con muốn thử. - Chàng thanh niên đáp.
Nghe vậy, vị Thiền sư vội đi vào phía sau Thiền viện và trong khoảnh khắc lại trở ra với một thiền sinh. Đó là một nhà sư đã có tuổi vẻ mặt hiền lành, phúc hậu và là một trong những thiền sinh rất giỏi về Cờ trong Thiền viện.
Sau khi giới thiệu thiền sinh này với chàng thanh niên để thi đấu với nhau, ông đã nghiêm nghị nói:
- Trước khi bắt đầu cuộc đấu, Ta cần phải nói rõ: đây sẽ là một ván cờ “sinh tử”, người thua cuộc sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của ta. Các ngươi có đồng ý nguyên tắc này không?


Cả hai đều tỏ vẻ đồng ý và ngồi xuống chiếc bàn có đặt sẵn bàn cờ để bắt đầu thi đấu, trong khi vị Thiền sư đặt thanh kiếm trên chiếc bàn nhỏ trước mặt rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh bên để giám sát cuộc đấu.
Thoạt tiên, khi bắt đầu cuộc đấu cả hai đều rất thận trọng khi đi cờ như để dò ý và tìm hiểu về khả năng cũng như lối chơi cờ của đối phương.
Khoảng một lúc sau, với những bước vững chắc về thủ và linh động về công vị thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào trạng thái bị động, phải lui về thế thủ. Chàng thanh niên đã tỏ ra bối rối trước sự tiến công dũng mãnh của đối phương.
Chàng thanh niên bỗng đâm ra lo ngại là sẽ bị thua cuộc và mất dịp được theo học Đạo mà còn bị mất mạng nửa. Do đó, chàng ta cố vận dụng trí óc để moi ra từ ký ức những thế cờ đã từng đánh và từng học được trước đây để mong chận bớt những nước cờ tấn công rất hiệu lực của đối phương. Nhưng chàng ta chẳng nhớ ra được điều gì có thể xử dụng để thay đổi tình thế.
Trong cơn lo lắng miên man, bất chợt chàng có ý nghĩ: hay là xử dụng những nước cờ “liều”, biết đâu sẽ chẳng có kết quả tốt. Nghĩ xong chàng liền áp dụng ngay.
Đang ở trong thế thủ, bỗng bất thình lình chàng vùng lên tấn công quyết liệt. Những nước cờ “liều mạng” của chàng vừa đánh ra chẳng có một quy tắc căn bản nào cả, chỉ toàn là những nước cờ “thí” không ai dám sử dụng hay nghĩ đến trong khi chơi Cờ, nhất là trong một ván cờ sinh tử như thế này. Chỉ trong vài nước, thế cờ liều đột nhiên có kết quả. Nước cờ đang ở vào thế thủ bỗng chuyển sang thành thế công, bắt buộc đối thủ phải lui về chống đỡ. Người thiền sinh cao cờ giờ đây bị đưa vào thế bị động vì những bước đi cờ lạ lùng, kỳ dị không thể tiên đoán được của chàng thanh niên liều mạng này.
Chàng thanh niên đang ở vào thế “thượng phong”, chàng tấn công tới tấp để mong chiến thắng. Trong lúc hăng say để đạt chiến thắng đó, từ trong nội tâm của chàng bỗng nổi lên ý nghĩ: “Hôm nay, đến nơi này để xin học Đạo, phải đánh ván Cờ “sinh tử” để được nhập môn, rồi trong lúc nguy khốn vì bị tấn công dồn dập đã phải dùng thế cờ “liều mạng” để chuyển bại thành thắng, đưa đối phương vào thế thúc thủ. Trong chốc lát đây ván cờ sẽ kết thúc, người thiền sinh phúc hậu kia sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của Thầy. Người Thiền sinh đã mất gần suốt cuộc đời để học Đạo, tu hành tinh tấn, có được đạo hạnh cao; nay lại phải trở thành “cây thước” để đo tài người đến xin học Đạo, để rồi phải bỏ mạng vì kết quả của ván cờ. Thật là oan uổng...”
                         
Trong khi những ý niệm đó hiện ra và đưa chàng thanh niên vào suy tư thì nước cờ của chàng đang đi bỗng nhiên có vẻ chậm lại và mất phần kiến hiệu. Và vì vậy, chỉ trong năm, ba nước cờ nguời thiền sinh đã tiến dần đến thế quân bình, rồi trong khoảnh khắc đã nắm lại được thế chủ động. Bây giờ đến lượt chàng thanh niên mất thế “thượng phong”.
Chỉ thêm vài nước, người thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào thế gần như không có lối thoát. Nhưng bất chợt, đột nhiên thế cờ của người thiền sinh bỗng như chậm lại và có vẻ hòa hoãn, ngập ngừng trong khi thế cờ của chàng thanh niên lại có phần chần chừ, bất định. Do đó, ván cờ đang ở vào giai đoạn sắp kết thúc bỗng nhiên như dừng hẳn lại.
Nhưng cuối cùng, dù muốn dù không, ván Cờ cũng phải đi đến chỗ kết thúc. Vì vậy, người thiền sinh nhân hậu kia bắt buộc phải ra tay hạ thủ để kết thúc ván Cờ. Thế thắng, bại đã bày đã hiện bày ra trước mắt.

Đột nhiên, vị Thiền Sư bỗng vụt đứng phắt dậy, hét lên một tiếng thật to và rút kiếm ra khỏi vỏ. Mũi kiếm được chĩa ngay vào đỉnh đầu của chàng thanh niên. Nghe tiếng hét của Sư phụ, người thiền sinh vội cúi đầu, chấp tay niệm Phật.
Với một đường kiếm tuyệt luân và thần tốc không thể ngờ được, thoáng một cái lưỡi kiếm của vị Thiền sư đã cạo nhẵn mái tóc trên đỉnh đầu của chàng thanh niên. Giờ đây, trông chàng thanh niên chẳng khác nào một người vừa được “thí phát” để “quy y”.
Và vị Thiền sư đã cất tiếng nói với chàng thanh niên:
- “Hôm nay, ta chính thức nhận con làm môn đệ“.
Ván Cờ đã kết thúc trước khi nước cờ cuối cùng được đánh ra để quyết định việc thắng bại mà chiến thắng đang nằm trong tay của vị Thiền sinh nhân hậu.
 
                              https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgNLyGPYEjF9ftoeqgkErTVSB8tzyGhV5NNag9Y19U3xh9P9Qi7Jpwkw2XiOrBDx3rRA_1wFKVD7axLif-VV4Q5zbU-z3EDBfGJ-WGiSmiBuQ6HAGPHeiWk8bw63WrTJXtGihCXaf4F6zZm/s1600/20120407_STP005_0.jpg
Là một bậc Thầy về Kiếm và Cờ, vị Thiền sư trong khi ngồi giám sát cuộc thi đấu đã thấy và hiểu rỏ khả năng và lối chơi Cờ của đôi bên. Ngoài ra, là một Thiền sư đắc đạo, Ông đã đọc được từng tâm niệm khởi nghĩ cũa hai kẻ ngồi trước mặt, nên hiểu được tánh ý và đức hạnh của người môn đệ của mình và thấy rõ tâm hạnh của người thanh niên xa lạ kia và sau cùng Ông đã đi đến quyết định. Dưới mắt vị Thiền sư: ván cờ đang sắp sửa được kết thúc mà phần thắng lợi đang nghiêng về phía người thiền sinh, môn đệ của Ông, nhưng chàng thanh niên lại là kẻ chiến thắng.
Chàng trở thành kẻ chiến thắng vì đã đánh bại được cái ước vọng nhiều tham muốn và lòng háo thắng của chính mình, dẹp bỏ được cái “ngã” riêng tư để nghĩ đến người mà không màng đến sự an nguy của chính bản thân. Chàng đã tự chiến thắng mình bằng lòng nhân ái.
Chàng thực sự là một kẻ chiến thắng trong một chiến công vô cùng oanh liệt và quả cảm đúng như lời dạy của Đức Phật:
 “Chiến thắng oanh liệt và dũng cảm nhất mà không gây đổ máu và thù hận là tự chiến thắng bản thân mình”.
Chàng thanh niên thật vô cùng xứng đáng được thu nhận để bái sư học Đạo và có cơ duyên để trở thành huynh đệ với người thiền sinh nhân hậu kia.

ST

                                                                                                            

TRƯỚC SÂN NHÀ NHU Ở THỪA LƯU





THƠ ZUI THƯ GIÃN NGÀY CHỦ NHẬT

Thơ gởi từ một nữ sĩ ở Canada. 

Nếu Thế Giới Này ...
 
Nếu thế giới này không có đàn ông,
Các cô thiếu nữ chẳng có chồng.
Lấy đâu mà đẻ, đòi làm mẹ?
Một mình lạnh lẽo, tối nằm không.
 
Nếu thế giới này không có đàn ông,
Ai sẽ đèo bà đi long nhong,
Ai còng xương sườn, cong xương sống,
Giúp bà....thư giãn những đêm đông?
 
Nếu thế giới này không có đàn ông,
Canh thiu, cơm sống lấy ai ăn?
Ai là đối tuợng bà la mắng,
Ông ổng giọng bà có oai không?
 
Nếu thế giới này không có đàn ông,
Thì đâu có cảnh móc túi chồng,
Tiền lương khoản nọ, bà thu tất
Chỉ để cho chồng cái túi không!
 
 
(Tác giả: Khiết Bông = Không Biết)
 
Sau khi bài thơ "Nếu ..." này được gởi đi thì có một NỮ thân hữu đáp lại với bài thơ sau đây nghe cũng nhức xương lắm.
 
 
Thế giới này không có đàn ông,
Các cô thiếu nữ chẳng cần chồng.
Không cần đẻ chửa chi cho mệt,
Một mình....nếu lạnh đắp chăn bông!
 
Thế giới nầy không có đàn ông,
Thì ta đi bộ, đi xe bus
Khỏi nhờ phiền phức, khỏi chờ mong
 
Nếu cần thư giản những đêm Đông
Chỉ cần đọc sách hay nghe nhạc
Lò sưởi làm ta được ấm lòng
 
Thế giới nầy không có đàn ông,
Canh thiu, cơm sống chó chim ăn.
Chó mèo đối tượng bà la mắng,
Ong óng giọng bà rất oai phong?
 
Thế giới nầy không có đàn ông
Đêm nằm yên giấc không ai phá
Hỏi rằng như thế sướng hay không?
Ha … Ha ... Ha ... !*:)) laughing*:)) laughing

ST

Thứ Sáu, tháng 2 22

VUI CUỐI TUẦN

CHÍNH TRỊ LÀ GÌ?
Một cậu bé đề nghị bố giải thích cho cậu hiểu xem chính trị là gì. Ông bố nói: "Con hãy nhìn vào gia đình mình đây. Bố kiếm tiền và mang về nhà, vậy bố là Nhà tư bản. Mẹ quản lý số tiền này nên mẹ là Chính quyền. Bố mẹ chăm lo đến phúc lợi của con, cho con được hạnh phúc và bình yên nên con là Nhân dân. Chị giúp việc nhà ta là Giai cấp lao động còn cậu em còn quấn tã của con sẽ là Tương lai đất nước. Con đã hiểu chưa?" Cậu bé hãy còn băn khoăn nhưng trước tiên muốn đi ngủ cái đã.
Buổi đêm cậu bé tỉnh dậy vì chú em đã ị ra tã lót và đang kêu gào. Cậu tiến đến phòng ngủ của bố mẹ, gõ cửa nhưng mẹ đang ngủ rất say nên không nghe tiếng. Cậu bèn đi đến phòng của chị giúp việc và nhìn thấy bố đang vật nhau với chị ta trên giường. Cả hai đều mải mê nên không nghe thấy tiếng gõ cửa. Cậu lại đi về phòng và ngủ tiếp...

Sáng hôm sau ông bố hỏi con trai xem nó đã hiểu thế nào là chính trị chưa và yêu cầu tự diễn giải lại. Cậu bé trả lời: "Vâng, bây giờ thì con đã hiểu. Nhà tư bản đè đầu cưỡi cổ Giai cấp lao động trong khi Chính quyền ngủ say không biết gì. Nhân dân hoàn toàn không được đếm xỉa đến và Tương lai thì thối hoắc!".
                              ST
 

Thứ Tư, tháng 2 20

HAPPY END *


Truyện ngắn thật hay, đọc đi đọc lại nhiều lần và mình muốn chia xẻ cùng các bạn. Mong tất cả chúng ta ai cũng có một HAPPY END .Mời các bạn đọc truyện ngắn này của NGUYỄN THỊ HẬU ( như một món quà xuân gửi tặng các bạn yêu quý blog của mình)

 
Trong túi, chiếc áo lạnh, cuốn sách đang đọc, máy tính và vài thứ linh tinh... Lên chuyến xe tốc hành, cô ngả lưng ghế, quay mặt ra cửa sổ lơ đãng nhìn những hàng cây vun vút chạy ngược, lơ đãng nhìn đêm như một bình mực tím đang loang dần ngoài kia, tự hỏi, mình đến X làm gì...?
Để làm gì ư? Có những việc ta không thể nói mục đích, lý do, vì chẳng có một lý do mục đích nào rõ ràng cả. Thật ra, cũng có lúc cô đã tự mắng mình: sao lại có thể mất thì giờ (và tiền bạc nữa, híc!) chẳng để làm gì như vậy?!
Gắn tai nghe, cô bật điện thoại. Bài hát thì thầm những lời thật buồn: Lên xe tiễn em đi... chưa bao giờ buồn thế... Những bài hát chia ly bao giờ cũng làm cô thấy xao xuyến và day dứt, cảm giác như mình là người có lỗi trong sự chia ly. Chia tay nhau, đôi khi chẳng vì ai cả, chỉ vì thế thôi, để chấm dứt một sự lưỡng lự có thời hạn và có khi bước vào một cuộc lưỡng lự khác, kéo dài suốt cả cuộc đời.
Cổ tích có câu chuyện, đại khái một nàng công chúa xinh đẹp dịu hiền, được làm vợ chàng hoàng tử đẹp trai, giàu có, tài giỏi. Nàng luôn được chồng yêu thương chiều chuộng..., nói chung là nàng có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Chàng hoàng tử còn đưa nàng giữ chùm chìa khóa của tất cả các căn phòng trong lâu đài tráng lệ họ đang sống. Và chàng dặn rằng nàng có thể mở cửa mọi căn phòng, những căn phòng chứa toàn vàng bạc châu báu, hoa thơm cỏ lạ, là niềm vui, là sự hài lòng, là những điều tốt đẹp.
Duy chỉ có một căn phòng ở cuối lâu đài là nàng không được phép mở, nhưng chàng không bao giờ nói với nàng trong căn phòng đó có gì. Rồi một lần, tình cờ đứng trước căn phòng đó, lại có chìa khóa trong tay, lại không bao giờ nghĩ rằng chồng mình có điều gì bí mật, lại không thắng được sự tò mò rất đỗi đàn bà, nàng công chúa bèn mở cửa căn phòng bí mật... Kết thúc câu chuyện như thế nào tất nhiên mọi người đã biết.
Có lần ngồi “tám”, đám U40 các cô bảo nhau: đã may mắn là công chúa thì đừng tò mò làm gì, nếu lỡ biết về “căn phòng đầu lâu” của chồng thì tốt nhất hãy coi như không biết. Vậy mới hạnh phúc. Rồi sau những buổi chiều thật đẹp ngồi triết lý vụn bên ly cà phê và ngắm chiều tím loang vỉa hè, mà mơ màng chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe... những “công chúa” lại về nhà để tiếp tục cái cuộc lưỡng lự đã bắt đầu từ nhiều năm qua... Lưỡng lự vì mỗi người có một lựa chọn mà chẳng phương án nào giống cái “phương án tốt nhất” kể trên...
Cuộc sống của cô cũng như nàng công chúa nọ. Nhưng cô luôn nghĩ và tin rằng câu chuyện trên có một “happy end” (*): Sau khi bí mật bị bật mí, chàng hoàng tử ăn năn hối lỗi, thề sẽ không bao giờ tái phạm lỗi lầm. Nàng công chúa lòng đầy bao dung, tha thứ cho chồng. Từ đó họ sống yên ổn bên nhau cho tới khi đầu bạc răng long... Còn căn phòng chứa đầy di tích của “lỗi lầm” được khóa cửa vĩnh viễn, chìa khóa bị bẻ ra, nghiền nát vụn thành bột, gửi gió cho mây ngàn bay...
Cô đã không ngờ rằng một kết thúc như vậy thì không thể coi là hết chuyện, bởi sự đời cứ hay rắc rối thế. Cái thứ bột nghiền từ chiếc chìa khóa ấy bay khắp bốn phương trời, chị em phụ nữ - cả cô nữa - đã hít phải bột “tò mò”, và từ đó câu chuyện cổ tích xuất hiện thêm nhiều cái kết khác nhưng chẳng “có hậu” chút nào. Trong đó có cả cái kết câu chuyện cổ tích của chính cô. Cô đã lựa chọn “phương án tốt nhất” để không biết gì ngoài những điều sung sướng, nhưng cô hiểu mình không thể quên, không thể tha thứ, không thể coi như chưa từng biết. Cô còn hiểu rằng nếu cứ ở lại trong tòa lâu đài ấy thì đến một lúc nào đó chính nàng công chúa là cô cũng sẽ có một “căn phòng bí mật”...
Câu hỏi vì sao mình lại lựa chọn cái “happy end” như thế đã bào mòn cuộc sống của cô.Vào những lúc thấy mình bức bối, cùn mòn, cô sẽ đi đâu đấy, một mình, đến nơi xa lạ, tự nghiền ngẫm tra tấn mình đến tận cùng của sự bức bối cùn mòn... Ở đấy, lúc đó, cô mong mỏi vô cùng, hi vọng vô cùng, thèm khát vô cùng một ai đó có thể chia sẻ, có thể an ủi, hay đơn giản hơn có thể ngồi yên lặng hàng giờ bên cô, chăm chú nghe tiếng lanh canh chiếc muỗng khuấy trong ly cà phê dường như còn nguyên vẹn, để hiểu được cô đang nghĩ gì, đang muốn nói gì, hay chỉ là cô đang trống rỗng như thế nào... Để đến khi trong đôi mắt to buồn bã của cô long lanh những giọt nước mắt, sẽ có một bàn tay dịu dàng ôm nhẹ vai cô, nắm nhẹ bàn tay cô, thấu hiểu...
Hiển nhiên, chẳng có một ai như vậy.
Và cô sẽ nghiến răng chịu đựng, vì biết rõ nơi này mình không thể trông đợi vào ai, ngoài mình. Nhưng ngay cả lúc cô độc như thế, cô vẫn thấy mình nhẹ nhõm hơn những lúc cô độc giữa nhiều người, cô độc bên cạnh một người...
Như lúc này đây cô đang một mình đi đến X. Bởi vì X. là nơi đầu tiên cô đã gặp anh, chàng hoàng tử của cô!
Bởi vì, chuyện cổ tích của riêng cô vẫn chưa kết thúc...

                                              NGUYỄN THỊ HẬU


(*) Cái kết đẹp.

Thứ Hai, tháng 2 18

Đạt Ma mất dép

 

Trong các chùa thuộc Bắc tông, thường treo bức tranh một hành giả dữ tướng, cao to, quắc thước, râu hùm, hàm én, mắt lóe kỳ quang, mình vận cà sa, vai quảy một chiếc dép, đang mải miết bôn tẩu thiên lý.
Đó chính là Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) vị tổ thứ 28 sau Phật Thích Ca Mâu Ni và là Sư tổ của Thiền tông Trung Quốc, đồng thời cũng là sư tổ võ phái Thiếu Lâm Tự ở Trung Quốc. Ngài viên tịch năm 543, đến nay đã hơn ngàn năm. Nghi án “chiếc dép tổ sư” đã khiến cho người đời tốn khá nhiều công sức để tranh luận và hình như chưa bao giờ phân định được thị phi. Có người nói chiếc dép trên vai của Thiền Sư là Đạo pháp để lại, đạo pháp mang đi. Người thì chỉ vào chân trần của sư tổ nói: Sắc là không, không là sắc . Vì sao người ta  chỉ chú mục đến bức tranh, mà không chịu đọc  lại bức đại tự ghi tôn chỉ của thiền tông: “Bất lập văn tự/Giáo ngoại biệt truyền/Trực chỉ nhân tâm/Kiến tính thành Phật”. (Không lệ thuộc vào kinh sách, truyền dạy ngoài giáo lý, hướng thẳng đến tim người, thấy chân lý mà giác ngộ).
Lại nhớ đến chuyện về buổi hội kiến của sơ tổ Thiền tông (Bodhidharma) với Lương Vũ Đế, buổi đầu ông đặt chân đến Trung Quốc. Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế đã cho xây nhiều chùa chiền, bảo tháp. Vũ Đế hỏi nhà sư Ấn Độ: "Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?". Đạt Ma đáp: “Không có công đức”. Vua lại hỏi: “Vậy công đức chân thật là gì?”. Sư đáp: “Trí phải được Thanh Tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không hoàn toàn, như vậy mới là công đức”. Vua lại hỏi: “Ai đang đối diện với trẫm đây?”. Sư đáp: “Tôi không biết”.
Ôi! Bồ đề đạt ma! Hành trạng ngài sao mà kỳ bí? Vũ Đế, xây chùa, chép kinh, độ tăng… mà ngài còn chưa cho là công đức thì làm gì mới được coi là công đức đây? Hội kiến không thành Ngài vượt sông Dương Tử mênh mông sóng dữ, chỉ với chiếc thuyền con, rồi bỏ lên núi, ngồi quay mặt vào vách đá 9 năm, truyền y-bát cho Huệ Khả xong thì viên tịch nhưng rồi có người lại gặp Ngài trên núi Hùng nhĩ, vai quảy một chiếc gậy, đầu gậy có xỏ một chiếc dép. Rồi ngay cả chuyện ngài truyền tâm ấn cho Huệ Khả, người thường cũng đâu dễ gì hiểu nổi. Tương truyền, trước khi về, gọi đệ tử trình bày sở đắc: "Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình".
Đạo Phó bạch: "Theo chỗ thấy của con, muốn thấy đạo phải chẳng chấp văn tự, mà cũng chẳng lìa văn tự". Sư đáp: "Con được lớp da của ta rồi".
Ni Tổng Trì nói: "Chỗ giải của con như cái mừng thấy Phật (tâm) bất động, thấy được một lần, sau không thấy lại nữa". Sư nói: "Con được phần thịt của ta rồi".
Đạo Dục, một đệ tử khác, bạch: "Tứ đại vốn không, Ngũ uẩn chẳng phải thật có, vậy chỗ thấy của con là không một Pháp nào khả được". Sư đáp: "Con được bộ xương của ta rồi".
Cuối cùng, đến phiên Huệ Khả. Huệ Khả lễ bái Sư rồi đứng ngay một chỗ, không bạch không nói gì cả. Sư bảo: "Con đã được phần tuỷ của ta"
Giữa bời bời những công án rối rắm mê hồn như này, hãy bắt đầu từ chiếc dép của tổ sư, xem chừng, còn khả hữu. Ngôn ngữ, là thứ vưu vật đặc hữu, chỉ con người mới có, ngôn ngữ có sự kì diệu của ngôn ngữ, nhưng cũng có sự suy đồi của ngôn ngữ. Ngôn ngữ kì diệu là ngôn ngữ đem đến cho con người sự cảm thông và chia sẻ, ngôn ngữ suy đồi là thứ ngôn ngữ vu khoát, trí trá, che đậy những tư tưởng xấu xa, bằng những lời có cánh, nhằm mê dụ lòng người.
Sự lầm lẫn của chúng ta cũng giống như Lương Vũ Đế, dương dương tự đắc khoe việc tô tượng, đúc chuông, xây chùa, chép kinh, mà không ngộ nổi những lời khai thị, rất rõ ràng về yếu tính phật pháp của Bồ đề sư tổ. Chín năm ngồi nhìn thạch bích, hẳn sư tổ đã thấu triệt được hiền minh của sự im lặng. Chúng ta chỉ có một đời sống duy nhất, và đời sống đó đang bị xới tung lên, bởi những hành ngôn, diễn ngôn đẹp đẽ và dối trá. Khi Bồ Đề  Đạt Ma trao truyền tâm ấn cho Huệ Khả, vị đệ tử đã dùng sự im lặng để trả lời ngài. Và nếu có ai lúc bấy giời thầm hỏi tổ sư: “Bạch Sư tổ, vì sao người lại chỉ mang mỗi một chiếc dép?”, chắc sẽ nhận được nụ cười hỉ xả của Sư Tổ kèm theo câu trả lời : “Ta bị rơi mất một chiếc rồi mà!”.
Sự thật có lẽ chỉ giản dị như vậy thôi.

Nguồn từ mail

CHUYỆN HAY ĐÁNG SUY GẪM

NGƯỜI VỢ NÀO THEO TA ĐẾN CUỐI ĐỜI? (Sưu tầm đầu năm)
Một thương nhân giàu có, có 4 bà vợ. Ông yêu người vợ thứ tư nhất, ông tự hào về người vợ thứ ba, ông tìm đến người vợ thứ hai như một người bạn tâm tình nhưng hầu như chẳng bao giờ chú ý đến người vợ thứ nhất…

Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền. Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn “khoe” vợ với bạn bè. Tuy nhiên, trong ông luôn thường trực nỗi lo sợ bà bỏ đi với người đàn ông khác.

Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bất cứ khi nào gặp khúc mắc, ông đều tìm đến bà.
Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thuỷ, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà.

Một ngày, ông ngã bệnh. Ông tự biết rằng mình sắp từ giã cõi trần. Ông nghĩ về cuộc sống giàu sang xa hoa và tự nhủ: “Hiện mình có 4 bà vợ. Nhưng khi mình chết, lại chỉ có một mình. Thật cô đơn làm sao!”.

Ông ta hỏi bà vợ thứ tư: “Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình sự quan tâm đặc biệt và những điều tốt đẹp nhất. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, liệu khi tôi chết, mình có nguyện đi theo tôi không?”. “Không đâu” – Bà vợ thứ tư đáp lại và bước đi.
Mặc dù trên khuôn mặt ông cố tỏ ra vẻ bình thản nhưng không giấu được nỗi buồn, ông quay sang hỏi người vợ thứ ba: “Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết rồi, bà có nguyện theo tôi không?”. “Không, cuộc sống vẫn đang đẹp mà. Sau khi ông chết, tôi sẽ tái hôn”. Trái tim ông run lên đau đớn.
Sau đó, ông hỏi người vợ thứ hai: “Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối gì tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có nguyện đi theo tôi không?”. Bà vợ thứ hai trả lời: “Xin lỗi, lúc này tôi không thể giúp ông được. Nếu có, tôi chỉ đưa linh cữu ông ra mộ thôi”. Người vợ thứ hai chính là người bạn tâm tình thân thiết thủy chung của ông cũng chỉ khóc khi ông chết, đưa ông ra đến mộ rồi quay đầu… Ông nghe câu trả lời mà như sét đánh ngang tai. Ông thực sự quá đau đớn vì người mà ông nghĩ có thể tin tưởng nhất cũng bỏ rơi ông.
Bỗng có một giọng nói cất lên: “Tôi sẽ đi cùng ông, đi đến bất cứ nơi nào ông tới”. Ông dáo dác tìm kiếm chủ nhân của giọng nói và nhận ra đó chính là người vợ thứ nhất, người mà chẳng mấy khi ông để ý tới. Trông bà gầy và xanh xao quá. Rưng rưng xúc động, ông nói: “Đáng lẽ ra trước đây tôi phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa”. Chỉ có duy nhất người vợ cả, người thường bị ta bỏ mặc, lãng quên khi sống… là kiên quyết đi theo, yêu thương ta cả cuộc đời.
Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ. Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết. Còn bà vợ thứ ba? Đó chính là của cải, địa vị. Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác. Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi. Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời. Tốt hơn hết là nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là “người” thân tín nhất bên ta. Đừng để phải hối hận vì đã lãng quên nó.
BM (DailyMail)

Thứ Bảy, tháng 2 16

DU XUÂN SÀI GÒN

Mời các bạn đón xuân trong Nam,dạo ngắm đường hoa Nguyễn Huệ và vườn Tao Đàn với muôn vàn sắc hoa rực rỡ làm say đắm lòng người.

Phố Hoa Xuân CON RẮN 2013 đường Nguyễn Huệ
Hội Hoa Xuân ở vườn Tao Đàn