Thứ Năm, tháng 6 26

DƯ ÂM



DƯ ÂM

Khi niềm vui quá lớn thường vỡ òa, ồn ào thác lũ, nó cuốn phăng phăng mọi cảm xúc, khuôn mặt mếu đi vì cười, mắt nhắm tít vì cười. V là người ít biểu lộ, thường V đứng sau sân khấu những vui cười xôn xao của mọi người, lắng nghe và cảm nhận.
Hình như cũng lâu lắm, không thể xác định thời gian. Chẳng có ai ngồi đong đếm tiếng tích tắc của đồng hồ, tiếng lá rụng ngoài sân, tiếng mưa rơi bên thềm hay giọt nắng rưng rưng cành phượng vỹ, chỉ biết rằng thật lâu mới có một đêm văn nghệ vui như ri. Không khoa trương ca sỹ có tên lừng danh trên khắp miền đất nước hình chữ S, không tô vẽ màu mè đèn xanh đèn đỏ, không áp phích pano, không sân khấu hoành tráng, không nhạc sỹ, nhạc công danh nổi như cồn hay MC đắt sô nhất . Tất cả chỉ là những cụ ông cụ bà trên dưới sáu mươi ngồi lại cùng nhau ôn kỷ niệm xưa ngày còn hai buổi cắp sách đến trường . Cái thời hoa cỏ, thơ mộng lùi xa tít tắp, xa đến tận cùng miền ký ức, xa nhưng không bao giờ quên. Nó nằm yên chỉ cần một chút khơi gợi là bùng lên, cái ngọn lửa âm ỉ mới đáng sợ làm sao, dưới lớp tro tưởng nguội ngơ nguội ngắt bỗng trong một đêm cuối tháng sáu trăng mờ, một chút gió mùa hè không xua tan được cái nóng như thiêu như đốt, mồ hôi nhễ nhại ướt đầm lưng áo vậy đó mà thổi hồn vào những trái tim BỒ ĐỀ biết bao cảm xúc thăng hoa . Mở màn bài Hành khúc Bồ Đề  của lớp lớn đầu tiên niên khóa 64-70. Các chị trang trọng trong áo dài truyền thống, giọng ca u 70 vẫn còn mạnh mẽ lắm. Tiếp nối là bài : Ngày xưa Hoàng Thị..
 “ Em tan trường về anh theo Ngọ về gót giày lặng lẽ đường quê” Ngày xưa đâu có điện thoại cầm tay, đâu có internet nối mạng để email, tình cảm trong sáng dễ thương của cậu học trò theo cô học trò những chiều tan lớp ngọt ngào theo giọng ca của chị Bảy ru ta vào hai chữ NGÀY XƯA…
Đã trên dốc cuộc đời, ngoài sáu mươi lớp đàn chị Bê Hoa đẹp rạng ngời trong tà áo trắng thả hồn với “Tiếng hát học trò” thiết tha trầm bỗng : “Tà áo năm xưa còn mãi trong tôi, còn thiết tha như giọng hát buông lơi. Rồi thời gian trôi xuân qua hè tới. Mùa thu mây bay khắp trời, gieo niềm thương nhớ đầy vơi.”. Đúng là chị đã “ Gieo niềm thương nhớ đầy vơi”.

Không kém giọng nữ thánh thót của chị Bê Hoa cựu nam sinh Hữu Viết với : Trường cũ tình xưa, lời nhạc như nói hộ lòng người : “Hôm nay trở lại nhiều khuôn mặt mới, thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi? Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ vang trong nỗi niềm nhung nhớ. Có ai đi thương về trường xưa.” Một ngôi trường chừ đã không còn tên, chỉ còn lại hàng cây kiền kiền trên đường Quang Trung thơ mộng một thời. Con đường có thời được ví von : Con đường thầm thì . Những lớp học của dãy nhà bên đường Quang Trung với khung cửa sổ nhìn ra đường cho bao tâm hồn mơ mộng những chiều lá đổ, V không quên, không thể nào quên thời hoa niên hai năm cuối 11,12 A1 . Là người ít có kỷ niệm với ngôi trường này nhất vậy mà V đã bồi hồi rung động khi đứng trên sân khấu hòa giọng mình vào tốp ca “ Học sinh Bồ Đề” do nhạc sỹ tài tử Văn Khoa viết nhạc, lời cọng tác cùng ca sỹ hot girt Lựu Nguyễn. Tập dượt có mấy ngày lời chưa thuộc lắm mà sao tim cứ rung lên theo lời bài hát “ Gắn bó với nhau : Học sinh Bồ Đề, Thương yêu lẫn nhau : Học sinh Bồ Đề.” Bởi nếu không gắn bó, yêu thương làm sao có được tiết mục này, khi tập duyệt lúc đầu có 6 bạn, sau tăng lên 8,  ấy thế mà khi lên sân khấu lại có những 12 người. Lời nhạc tươi vui, âm điệu rộn ràng nhạc sỹ Văn Khoa đã thổi vào tâm hồn các bạn sự hưng phấn, hân hoan làm xao động cả những bạn chưa từng tập dượt kéo nhau lên sân khấu chỉ để hát theo nhưng vui quá là vui . Tinh thần Bồ Đề của chúng tôi là vậy. Đội hình đẹp, nữ áo dài trắng, nam sơ mi trắng, quần xanh thắt cà vạt. Đáng yêu làm sao!

“ Thương quá Việt Nam” sáng tác của Thầy Phạm Thế Mỹ đã vĩnh biệt chúng tôi về chốn vĩnh hằng, chắc nơi xa ấy Thầy sẽ nghe học trò năm xưa của thầy ca vang lên rộn ràng với dàn đồng ca đông đúc phải chen nhau trên sân khấu nhỏ hẹp. Tay trong tay chúng tôi say sưa “ Sáng lên trăng, sáng lên trăng, Sáng cho người tìm về bên nhau. Sáng lên trăng, sáng lên trăng. Sáng cho tình người nợ đêm sâu” Dù trăng cuối tháng có lên muộn, có mờ ảo chăng nữa thì vẫn là ánh sáng của tình bạn bè bền chặt” Sáng cho người tìm về bên nhau”. 
Đêm nay chúng tôi đã hội ngộ hơn trăm mái đầu trắng muối sương, nụ cười không tắt trên môi dù có người răng không còn dùng răng giả hoặc cái còn cái mất, người HO( hô) người MO(móm) vẫn hồn nhiên cười nói xôn xao. Ngoài học trò cũ chúng tôi còn mời cả nửa kia của nhau đến chung vui, gồm dâu, rể, bạn hữu gần xa . Cặp song ca tình tứ của vợ chồng anh Hoành Trung bài Thương nhau Lý tơ hồng. Đã lên chức ông bà nội ngoại từ lâu vậy đó mà trên sân khấu tối nay họ còn “ Quan họ người ơi tương tư mà chim sáo, xe chỉ luồn kim thiếp thương chàng từ lâu. Áo bay.., ai đã qua cầu. Đôi mình …duyên tình đậm sâu” Ôi! Thật là đậm sâu.
Chị Kim Hường bùi ngùi với : Anh chờ em trở lại . Có gì đó nỗi niềm trong giọng ca ray rức : “Anh chờ em trở lại chốn đây, đường xưa còn đó sánh đôi vai gầy. Anh chờ em tìm về lối cũ có anh còn đây bên sông này. Đợi chờ ai đến trong vòng tay”.
Trưởng thôn, già làng người cầm chịch buổi văn nghệ hôm nay vô cùng bận rộn chạy lên chạy xuống, anh có mặt mọi nơi nhắc nhở người này, nói nhỏ người kia. Lưng áo anh ướt mồ hôi . Vừa là người đầu tiên mở màn đêm văn nghệ với bài phát biểu ngắn gọn, tình cảm, vừa là người kết thúc chương trình với lời cảm tạ bế mạc anh vẫn hăng say tập dượt để tối nay trình diễn cho mọi người nhạc phẩm của Phú Quang : “Về lại phố xưa”.Không suôn sẻ từ đầu do quên lời anh vẫn tự nhiên hát lại . Anh diễn đạt sâu lắng “Lại đi trong đêm bình yên, bình yên. Cơn gió lang thang về chốn quê nhà. Lại nghe con sông từng đêm từng đêm. Rì rào bên ta nỗi nhớ khơi xa. Về đi bên nhau cùng bao buồn vui. Sau những tháng năm ở chốn quê người. Dù mãi cách xa người ơi. Tình yêu này vẫn còn mãi trong tôi”. Do đêm nay có người bạn đời luôn sát cánh bên anh nên năng lượng anh dồi dào khỏe khoắn đến thế. Có điều gì anh muốn nhắn gửi qua lời nhạc “Dù mãi cách xa người ơi. Tình yêu này vẫn còn mãi trong tôi” vậy anh Ngô Lai thân mến?
Chị Huỳnh thị Tiếp lớp đàn chị gợi nhớ với bài “ Tình học sinh” biết bao thương nhớ “ Tình học sinh ghi bằng nét đan thanh. Tình học sinh như dòng nước bao la. Tình học sinh như ngàn đóa hoa…”Đêm nay hơn trăm đóa hoa đang nở chị Tiếp ơi!
Nhớ cố nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn chị Lựu đã hát bài “ Nắng thủy tinh” thiết tha trìu mến “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng Để nắng đi vào trong mắt em “.
Thời mới yêu nhau các bạn ai cũng ngâm nga “ Không bao giờ không bao giờ chúng mình lại cách xa” . Anh Nguyễn văn Anh Dũng, dáng vóc thể thao cao to, tóc điểm sương, tay cầm tờ giấy ghi lời nhạc do chưa thuộc thể hiện với giọng nam trầm bài “ Không bao giờ ngăn cách” . Làm sao có thể xa nhau được khi đi mô anh chị cũng luôn có nhau. “Chúng mình cách xa mà vẫn gần nhau. Tình yêu không phai như màu áo. Dẫu cho thời gian đem tâm tư vào nhớ. Lá rơi gọi mùa thu về sầu úa. Vẫn không bao giờ, không bao giờ ngăn cách đâu em”.

Không khí bỗng sôi động hẳn lên với “60 năm cuộc đời” do anh Hiệp thể hiện . “ Em ơi có bao nhiêu 60 năm cuộc đời. Hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu, hai mươi năm sau sầu thương cao vời vợi, hai mươi năm cuối là bao” Không biết có phải do điệu nhạc dồn dập, nhanh, nhộn mà các bạn kéo nhau ra sàn nhảy tưng bừng, tạo một sân chơi trẻ trung tươi vui. 
Còn người muôn năm cũ hoài niệm những tình khúc vượt thời gian, nhạc của những tâm hồn lãng mạn sâu lắng, ca từ trầm buồn, sang trọng . Hai anh Xuân Mỹ và Diên Sinh hát với tất cả nỗi lòng hai ca khúc : Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn-Từ Linh và Đôi mắt người Sơn Tây Thơ Quang Dũng nhạc Phạm Đình Chương.
Lớp đàn em khóa cuối cùng 68-75, tuy sinh sau đẻ muộn nhưng tinh thần văn nghệ không kém phần sôi động dù thời gian tập dượt không nhiều, không già dặn kinh nghiệm chiến trường như đàn anh đàn chị vẫn nhiệt tình tham gia góp vui hai tiết mục đơn ca nam, một tiết mục múa tự biên.
Ngọc Khánh tình cảm ngọt ngào với ca khúc “ Ở hai đầu nỗi nhớ
Lựu, Hương tặng hoa
“Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ. Có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình yêu. Ở đâu đây nỗi nhớ anh mơ về bên em. Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau thêm”. Vì anh mơ về bên em nên có hai em Hương, Lựu lên tặng hoa cho giọng ca trầm ấm ngọt ngào.
Mong đợi ngậm ngùi
“ Tan trường tan trường tà áo tung bay tựa mây trắng Tan trường tan trường chờ em đi ngang về lối này” Chị Bê Hoa phụ họa ôm cặp ngang ngực đi nhún nhảy như nữ sinh 18 ngây thơ. Đôi mắt tròn xoe, áo dài trắng thướt tha, cười tươi trước chàng thư sinh Hoàng Lân vui nhộn ca từ : Anh ngồi bên này lòng xôn xao mong chờ em thấy . Trao một nụ cười Ngờ đâu em đi lề kia rồi. Và từng ngày như thế, và từng chiều như thế Anh vẫn chờ áo bay”. Một nữ sinh, một nam sinh quên đi tuổi tác ông ngoại bà ngoại để tìm về thời áo trắng ngây thơ. Hai chị em thành công ngoài mong đợi của ban kiểm duyệt chương trình và là cặp đôi trẻ trung,dễ thương nhất.
Thay đổi không khí là màn múa của Hoa Trần. Duyên dáng trong trang phục cô gái Lào, đạo diễn biên đạo múa : Lựu Nguyễn, thể hiện bài hát : Lựu Nguyễn. Vui tươi, dí dỏm, uyển chuyển, dẻo dai cô gái Lào nhập vào Hoa Trần để tiết mục gây xôn xao hội trường đêm diễn với tràng pháo tay không ngớt. Chẳng ai biết bà chủ bánh mì, cà phê vỉa hè Lê Hồng Phong chỉ tập một buổi trước ngày diễn, váy áo chắp vá, phục trang tự lo vậy mà đọng lại cho người xem những tình cảm khó phai.
Cô gái Lào
Giá như Lựu Nguyễn tự tin bớt run sợ sẽ có tiết mục đơn ca nữ thật hay với bài hát do nhạc sỹ Văn Khoa sáng tác dựa theo lời thơ của Hoa Trần . Thật tiếc vì Lựu đã nhiệt tình tập dượt cả tuần chẳng ngại cái nắng tháng 6 chói chang, phút cuối cô nàng rút lui vô điều kiện .
Thành công đêm văn nghệ không chỉ các ca sỹ, nhạc sỹ không chuyên còn có phần đóng góp không nhỏ của MC. Hai Mc chính Phan Thu Bảy , Ngọc Khánh, và Thị Lựu cùng Văn Thành. Giới thiệu chương trình hoành tráng như ri mà các bạn tôi chỉ biết trước có một buổi . Đâu phải chuyên nghiệp mà thành thạo, toàn nghiệp dư, bất đắc dĩ vậy mà các bạn đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao quá xuất sắc .
Để lưu lại hình ảnh đêm văn nghệ kỷ niêm 50 năm ngày thành lập trường không thể thiếu các nhà nhiếp ảnh quay phim : Công Lý, Văn Phong, Trương Thương. Các anh chạy khắp quán cà phê từng góc nhỏ, đứng ngồi, quỳ để lấy cho hết những khoảnh khác đáng ghi nhớ . Đôi khi các anh phải quên mình trong những ảnh đẹp . Làm nghệ thuật mà.
Khép lại chương trình là bài hát : L’amour c’est pour rien .
Một đêm chưa đến 3 giờ đồng hồ với 21 tiết mục. Quán cà phê đông vui nhộn nhịp những tà áo dài váy hoa, váy màu sặc sỡ . Chưa khi nào thấy nam sinh lịch sự như đêm nay, cà vạt đàng hoàng giống quý ông thành đạt. Các thầy ngồi lắng nghe các trò ca hát quên đi tuổi tác về chiều. Chúng tôi gặp nhau không còn ai nhìn thấy trong mắt nhau nỗi giận hờn, buồn trách dù trước đó có ít nhiều tranh cãi. Người ta thường nói âm nhạc không biên giới, thật đúng khi lời ca vang lên những đôi chân nhún nhảy, vai kề vai . Tiếng đàn ghi ta ấm quá . Tiếng organe dìu dặt mọi người gần nhau trong tình thân ái. Khoảng cách tuổi tác, không học cùng chung một lớp như xóa tan .
Chỉ có một đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” các cụ ông cụ bà đã để lại trong lòng nhau những tình cảm khó phai mờ. Có thể rồi sẽ có nhiều đêm văn nghệ khác được tổ chức tiếp theo chu đáo hơn, hoàn thiện hơn nhưng V tin sẽ chẳng thể nào để lại những ấn tượng như hôm nay.
Bỗng nhiên mà có một ngày
Một đêm tiếng hát ngất ngây lòng người
Bồ Đề ta đã xa rồi
Dư âm còn lại một trời nhớ thương …

    PHAN VIỆT
   26/6/2014    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét