Thứ Năm, tháng 10 4

DI TÍCH DANH NHÂN QUẢNG NAM

  Quảng Nam là vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra nhiều nhân tài tuấn kiệt, từ các nhà khoa bảng nổi tiếng đến các nhà cách mạng yêu nước lỗi lạc. Tiêu biểu nhất là: Trần Quý Cáp, Hoàng Diệu, Phan Thành Tài, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Phan Châu Trinh, Trần Văn Dư, Lê Tấn Trung, Đỗ Đăng Tuyển, Mai Dị, Phan Thanh, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý...

    Lăng mộ bà Đoàn Quý Phi
   Đoàn Quý Phi (1601-1661) là thân mẫu của Chúa Hiền (Thái Tông Nguyễn Phước Tần). Bà là người có đức tính cần cù, chăm chỉ, hiền hậu, thông minh. Để tưởng nhớ công đức của Bà, các chúa Nguyễn đã phong tặng nhiều danh hiệu tôn kính, đặc biệt năm Gia Long thứ V (1806) đã truy tôn bà là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫu Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng Hậu.
   Lăng mộ Đoàn Quý Phi nằm tại làng Chiêm Sơn - xã Duy Trinh - huyện Duy Xuyên. Đây là lăng mộ cổ xưa nhất của chúa Nguyễn ở phía nam, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, 17. Hằng năm cứ đến ngày 24 tháng 3 âm lịch, nhân dân quanh vùng và tộc họ thường làm lễ dâng hương để tưởng niệm Bà

    Mộ tổng đốc Hoàng Diệu
   Hoàng Diệu (1829- 1882) xuất thân trong một gia đình nho giáo tại làng Xuân Đài - xã Điện Quang - huyện Điện Bàn. Ông là vị danh tướng nổi tiếng học rộng, tài cao (19 tuổi đỗ cử nhân, 24 tuổi đổ phó bảng) và là người thanh liêm, chính trực, thương dân.
   Ngày 25 tháng 4 năm 1882 thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội, trong một trận đấu không cân sức, ông thắt cổ tự vẫn để khỏi rơi vào tay giặc. Lúc đó, ông đang giữ cương vị tổng đốc Hà - Ninh. Cái chết oanh liệt của ông là một tấm gương anh hùng trung liệt, cổ vũ cho các tầng lớp chí sĩ và nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh giành độc lập. 
   Mộ ông được cải táng về quê nhà tại xã Điện Quang - huyện Điện Bàn và đã được trùng tu tôn tạo 2 lần vào năm 1982 và năm 1998.

    Mộ chí sĩ Trần Văn Dư
   Trần Văn Dư hiệu là Hoán Nhược, sinh năm 1839, mất năm 1885.Tên tuổi nhà yêu nước này gắn liền với phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam. Ông thi đỗ và được sắc phong Đệ Tam Giáp Đồng Tiến sĩ vào năm 1875. Năm 1884, ông được cử làm Sơn phòng sứ Quảng Nam. Tại đây, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông đã cùng các ông Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Kiến, Tiểu La Nguyễn Thành lập nên Nghĩa Hội, mở đầu cho công cuộc kháng Pháp ở Quảng Nam. Ông bị tay sai Nam triều bắt và xử chém tại thành La Qua vào ngày 13 tháng 12 năm 1885. Khu lăng mộ ông hiện ở tại xã Tam An - huyện Phú Ninh, cạnh quốc lộ 1A và kề khu tháp Chiên Đàn. 

    Mộ chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu
   Nguyễn Duy Hiệu sinh năm 1847, mất năm 1887. Quê ông ở làng Thanh Hà - huyện Diên Phước - phủ Điện Bàn (nay là xã Cẩm Hà - thành phố Hội An). Năm 1879, ông đậu phó bảng và được cử làm quan dạy cho hoàng tử Ưng Đăng (sau là vua Kiến Phúc) tại triều đình Huế. Một thời gian sau, ông từ quan về quê và cùng với Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến ... lập nên Nghĩa Hội Quảng Nam và trở thành vị lãnh tụ tiêu biểu sau khi Trần Văn Dư mất.
   Năm 1887, ông bị kẻ thù hành quyết. Khu lăng mộ ông hiện đã được xây dựng khá công phu với nhiều hoạ tiết trang trí đẹp, toạ lạc tại xã Cẩm Hà - thành phố Hội An.

    Mộ chí sĩ Phạm Phú Thứ
   Phạm Phú Thứ (1820 - 1883), quê ở xã Điện Trung - huyện Điện Bàn. Năm 1843, ông đỗ tiến sĩ và làm tri phủ Lạng Giang, có thời gian nhậm chức “Khởi cư chú” chuyên ghi chép lại lời nói và hành động của vua Tự Đức. Năm 1863 ông cùng với Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam bộ bị Pháp chiếm năm 1862. Khi về nước ông đã nhiều lần dâng sớ điều trần lên vua nhằm hoài bảo canh tân đất nước nhưng những ý nguyện của ông lại bị vua Tự Đức khước từ. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ như tổng đốc Hải Dương và Quảng Yên, kiêm tổng lý Thương chánh và Đại Đồng (1874), Hiệp Biện Đại Học Sĩ (1878). 
   Mộ ông hiện nằm trong một khuôn viên thoáng đóng ngay tại quê nhà. 

    Mộ chí sĩ Phan Thành Tài
   Phan Thành Tài sinh năm Canh Ngọ (1870), tại làng Bảo An - Phủ Điện Bàn nay thuộc xã Điện Trung - huyện Điện Bàn. Ông là một trong những người theo Tây học đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, là sĩ phu đắc lực cho phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Cùng với Thái Phiên và Trần Cao Vân, ông là người tham gia tích cực tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, từng chỉ huy cuộc bạo động chiếm giữ cửa bể Đà Nẵng của lực lượng Việt Nam Quang Phục Hội từ Quảng Nam đến Qung Ngãi. Khởi nghĩa không thành, ngày 9 tháng 6 năm 1916 ông bị thực dân Pháp bắt và hành quyết khi vừa tròn 36 tuổi. Hiện nay mộ ông nằm tại thị trấn Vĩnh Điện - huyện Điện Bàn. 

    Mộ chí sĩ Tiểu La
  Tiểu La tên thật là Nguyễn Thành tự là Triết Phu, ông sinh năm 1863, tại làng Thành Mỹ - phủ Thăng Bình (nay là thôn Quý Thạnh - xã Bình Quý - huyện Thăng Bình) trong một gia đình nho giáo. Từ nhỏ nổi tiếng là người thông minh, có tính tự chủ, tháo vát và mang hoài bão muốn hiểu biết để tìm đường cứu nước. Năm 1885 ông từ bỏ đèn sách tham gia phong trào Nghĩa Hội và sớm trở thành vị tướng tài. Ông được Nguyễn Duy Hiệu giao giữ chức Tán tướng quân vụ kim thương biện tỉnh vụ, là một trong những người có công rất lớn cùng với cụ Phan Bội Châu trong việc sáng lập Duy Tân Hội. Năm 1908 ông bị địch bắt và đày đi Côn Đảo, rồi qua đời vào năm 1911.
   Mộ được trùng tu vào năm 1997 tại quê nhà của ông, trong một khuôn viên xinh đẹp, chung quanh là những hàng cây xanh tươi và những bồn hoa xinh xắn. 

    Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng
   Là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia thuộc xã Tiên Cảnh - huyện Tiên Phước, cách thị xã Tam Kỳ khoảng 35 km về phía tây. Đây là ngôi nhà cũ do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869, theo lối kiến trúc rất phổ biến dưới thời nhà Nguyễn. Ngôi nhà gồm 3 gian, mái ngói, khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo.
   Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, quê làng Thạnh Bình - Tiên Phước, là một người thông minh học giỏi, một chí sĩ yêu nước. Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Cụ đã được Hồ Chủ tịch mời ra tham gia với Chính phủ và có thời gian giữ chức quyền Chủ tịch nước. 
   Hiện nay di tích đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Tại đây có trưng bày một số di vật và tư liệu có liên quan về thân thế sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ.

    Ngôi nhà cũ của cụ Phan Châu Trinh
  Phan Châu Trinh sinh năm 1872 tại thôn Tây Lộc - tổng Vinh Quý - huyện Hà Đông (thuộc xã Tam Lộc - huyện Phú Ninh ngày nay) và mất năm 1926 tại Sài Gòn sau nhiều năm hoạt động cách mạng. Ông là người khởi xướng phong trào Duy Tân, là tấm gương sáng chói về lòng yêu nước thương dân và tinh thần anh dũng đấu tranh cho quyền lợi dân tộc.
   Tưởng nhớ ông, ngay tại nền nhà cũ ở Tây Lộc - nơi ông sinh sống trong những năm tháng tuổi thơ, chính quyền đã xây dựng một ngôi nhà lưu niệm theo lối kiến trúc cổ trên mảnh đất rộng khoảng 2000 m2, được bao bọc bởi những lũy tre làng quanh năm xanh tốt.
                                                                     ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét